Đập Đá Dựng-TX.LaGi
Sau hai năm thành lập tỉnh Bình Tuy (1957), chính quyền thời bấy giờ chọn Đá Dựng làm đập ngăn nước sông Dinh. Thời đó lá buông, cây rừng rậm rịt ở hai bên bờ sông, còn có cả cọp beo, khỉ đàn lảng vảng. Về vị trí xây đập có lẻ ở đây sẵn nhiều đá tảng chen chân nhau đứng dựng như có bàn tay tạo hóa xếp đặt trấn giữ con sông. Địa danh Đá Dựng có từ hình tượng sống động đó.
Ròng rã cả năm trời với hàng trăm người được huy động xúc cát vào bao, chẻ đá, xây đập. Khởi đầu con đập chỉ dài 80 mét có hai cửa thoát nước để giữ độ sâu lòng hồ 6 – 7 m. Cùng lúc xây đập có dựng nhà thủy tạ trên một chân trụ, mỗi cạnh vuông 2,5 m mô phỏng theo kiểu chùa một cột ở Hà Nội. Nhưng chỉ hai năm sau bị lũ cuốn nhận chìm dưới đáy hồ. Với cảnh quan sinh thái, cây cối bên bờ đã tạo cho Đập Đá Dựng vừa hoang sơ vừa thơ mộng. Cũng từ cơn lũ trước đó, bờ sông tả ngạn bị nước khoét sâu hàng chục mét mở đường chảy rộng ra và đập phải kéo dài thêm cho đến bây giờ. Gành đá thiên nhiên ở đất liền trở thành một cù lao độc đáo, hang hóc đan xen cùng dây leo và cỏ dại. Vị trí đẹp này có đắp một tượng sư tử và bắc qua chiếc cầu làm dáng cho người ngoạn cảnh bên bữa ăn píc-níc giữa một không gian đầy “âm vang thác đổ” và chim chóc líu lo. Nương theo vài chục bậc thang bên cửa đập có tượng“long ngư” đang vượt vũ môn đẫm mình trong bọt nước trắng xóa tung tóe.
Công trình Đập Đá Dựng với ý tưởng dẫn nước về hai cánh đồng, trừ Tân Lý (Tân Bình) còn phía Tân Thiện lại gặp địa hình cao nên tác dụng thủy lợi không mang được hiệu quả gì. Nhưng, bù vào đó đã biến nơi này thành một cảnh quan hài hòa. Trước đây, bờ hữu ngạn có vườn cây hoa đào đến gần tết rộ hồng cánh phấn đẹp như hoa đào xứ Nhật. Nhiều cuộc hội trại của giới trẻ, học sinh thường chọn nơi đây để sinh hoạt, vui chơi.
Xưa thì hoang dã, đìu hiu nhưng bây giờ đập Đá Dựng nằm cách trung tâm thị xã La Gi chưa đầy cây số, bên đường giao thông mà còn giữ được cái hồn của đá núi, của suối ngàn. Mùa mưa xuống, thác nước dội lên những tảng đá ngổn ngang như để chắt ra dòng nước ngọt ngào hòa vào hạ lưu sông Dinh trước khi hóa thân về với biển cả. Đập Đá Dựng biến đổi cái dáng vẻ theo mùa. Vào mùa khô, nước sông chảy cạn thì bãi đá lại sinh nở thêm nhiều để nằm phơi mình trên đáy sông lấp lánh cát vàng. Đêm trăng sáng, những cặp tình nhân ngồi bên bờ đập mà quên chuyện riêng nhau, mải miết rung động trước ảo ảnh lung linh dáng hình tiên nữ của huyền thoại lúc hiện ra bên kè đá, lúc lấp loáng ở mặt hồ và trôi theo thác đổ. Càng về khuya lời ru thêm réo rắt, nghe chừng như chỉ có từ một cõi rất xa…
Sau này đập được nâng cấp, sửa chữa chủ yếu làm hồ chứa nước sinh hoạt cho vùng dân cư trung tâm của thị xã, nên xóa dần đi vẻ hoang phế đã phải thăng trầm với thời gian.
Leave a Reply